Trong 5 tháng đầu năm 2024 cả nước xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm, với 2.138 người mắc, tăng 1.432 ca so với cùng kỳ năm 2023, liên quan về an toàn thực phẩm.
Ngày 21/5, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị “Tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm” với sự tham gia của đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Công an… Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến từ đầu cầu Bộ Y tế đến tất cả các tỉnh, thành phố và các viện của Bộ Y tế.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm hết sức quan trọng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân mà còn ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội, an sinh xã hội.
Thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm, Chính phủ đã liên tiếp có chỉ đạo về an toàn vệ sinh thực phẩm, các bộ, ban, ngành, địa phương cũng vào cuộc quyết liệt trong công tác đảm bảo an toàn và phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tương đối lớn tại các công ty, nhà máy ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người lao động, tình hình sản xuất của doanh nghiệp…
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận xem thể chế đã đầy đủ chưa, nếu chưa cần kiến nghị xem xét bổ sung, sửa đổi thậm chí ban hành mới; việc tổ chức thực hiện ở cơ sở như thế nào, tại sao khi cơ quan chức năng kiểm tra vẫn có cơ sở chưa có giấy về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa có truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Trong 5 tháng đầu năm 2024 cả nước xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm, với 2.138 người mắc, tăng 1.432 ca so với cùng kỳ năm 2023. Tại các bếp ăn tập thể của khu công nghiệp, khu chế xuất xảy ra 3 vụ với 518 người mắc, tăng 457 ca so với cùng kỳ, không có ca tử vong.
Theo các đại biểu, ngộ độc thực phẩm là sự cố khó tránh khỏi, ngay cả đối với các nước có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tiên tiến. Tuy nhiên, để dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm có cả nguyên nhân khách quan như thời tiết nóng ẩm, phù hợp cho vi sinh vật phát triển đặc biệt trong các sản phẩm có nguồn gốc động vật.
Nguyên nhân chủ quan là sự phối hợp giữa các ban ngành, UBND đặc biệt ở tuyến cơ sở chưa tốt, dẫn đến tình trạng các cơ sở không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm vẫn hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhiều cơ sở có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm về kinh doanh các sản phẩm nông sản do ngành Nông nghiệp cấp nhưng lại thu gom các nguyên liệu trôi nổi ngoài thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm soát an toàn thực phẩm hay các cơ sở kinh doanh thịt gia súc, gia cầm ký hợp đồng giết mổ với lò mổ có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y nhưng thực tế không thực hiện hoặc chỉ thực hiện giết mổ một phần nhỏ trong tổng số lượng cung cấp cho bếp ăn tập thể các công ty, khu công nghiệp, khu chế xuất dẫn đến gây ra ngộ độc thực phẩm.
Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế nhấn mạnh, các văn bản quy phạm pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm đã cơ bản đầy đủ. Sự phân công trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm giữa các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương đã rõ ràng. Tuy nhiên, việc kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực thi các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm tại nhiều nơi, nhiều lúc chưa chặt chẽ, nhất là tại tuyến cơ sở.
“Một số địa phương thiếu nhân lực, vật lực trong thực hiện công tác an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm; do ảnh hưởng của thị trường, điều kiện kinh tế xã hội; do lợi nhuận, thậm chí một số doanh nghiệp định mức khẩu phần ăn cho người lao động ở mức thấp, sử dụng nguyên liệu giá rẻ, không bảo đảm an toàn. Ngoài ra, còn do nhận thức và ý thức của một bộ phận người dân về bảo đảm an toàn thực phẩm phòng, chống ngộ độc thực phẩm chưa tốt, ham rẻ mua thực phẩm không đảm bảo chất lượng, an toàn”, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh việc không đánh đổi sức khỏe lấy kinh tế. Việc đảm bảo an toàn thực phẩm liên quan đến nhiệm vụ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và của toàn dân chứ không chỉ ngành Y tế, Nông nghiệp hay Công Thương.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị, cần tuyên truyền thường xuyên nâng cao nhận thức của người dân để chọn thực phẩm an toàn. Các địa phương, các bộ, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, từ quy định điều kiện cơ sở, trang thiết bị, con người, các quy định đối với nguyên liệu thực phẩm, nguồn nước sử dụng; xử lý nghiêm vi phạm.
Đối với các Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, các công ty cần kiên quyết không ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu, cung cấp suất ăn, dịch vụ ăn uống với các cơ sở không đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các cơ quan, công ty, trường học, đơn vị./.
Hiện nay: ATVSTP.ORG.VN hỗ trợ mọi thủ tục giấy tờ nhanh và đầy đủ nhất tại khu vực Tp.Hồ Chí Minh. Các khu vực khác vui lòng gọi Hotline: 0909.730.849 để chúng tôi tư vấn đầy đủ tốt nhất cho bạn theo từng khu vực. Xin cảm ơn. Địa chỉ: 47/111 Nguyễn Hữu Tiến, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.
Điện thoại: 0975 730 849
Website: https://atvstp.org.vn
Nguồn: https://chinhsachcuocsong.vnanet.vn/kien-quyet-khong-ky-hop-dong-voi-cac-co-so-khong-du-dieu-kien-an-toan-thuc-pham/39002.html
Để lại một phản hồi