Nhựa nào an toàn cho bé hay loại nhựa nào an toàn nhất là những câu hỏi mà nhiều người đang phải đối mặt trong thời đại hiện nay. Với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, khối lượng nhựa sản xuất và sử dụng của nhân loại vô cùng lớn, gây ra ô nhiễm rác thải nhựa nghiêm trọng đối với hành tinh xanh của chúng ta. Đồng thời, những vật dụng hàng ngày xung quanh chúng ta hầu như đều có sự góp mặt của nhựa.
Vậy là tất cả chúng ta cũng phải đối mặt với những vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe như chất lượng của loại nhựa sử dụng hàng ngày, nhựa nào an toàn cho bé và cho sức khỏe gia đình? Các bạn hãy cùng Việt Nam Tái Chế đi tìm hiểu câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé.
Nội dung bài viết
Nhựa và những cách phân loại nhựa hiện nay
Nhựa là một hợp chất polyme hữu cơ có nguồn gốc từ các chuỗi nguyên tử cacbon kết hợp với oxy, lưu huỳnh và nitơ. Hợp chất nhân tạo tổng hợp này thường có tính dẻo, nhẹ và chắc nên có thể dùng để làm nhiều loại sản phẩm và kiểu dáng, độ dày rất đa dạng và phức tạp. Nhựa có mặt trong cuộc sống hàng ngày với khối lượng vô cùng khổng lồ, lên tới 8.3 tỷ tấn mỗi năm. Trước khi tìm hiểu nhựa nào an toàn cho bé thì chúng ta cần hiểu rõ phân loại của chúng.
Nhựa có cấu tạo rất đơn giản, thường chỉ cần thay đổi tỷ lệ thành phần nguyên liệu là có thể tạo ra những loại nhựa có chất lượng khác nhau. Trên thế giới hiện nay có 7 nhóm nhựa được phân loại bao gồm:
- Nhựa có ký hiệu số 1: Nhựa polyethylene terephthalate hay còn được gọi là nhựa PETE, nhựa PET. Nhựa này thường được sử dụng để làm các loại chai đựng nước, chai nước khoáng,… Với đánh giá an toàn cho sức khỏe, nhựa PET được dùng để đựng thực phẩm nhưng vì mặt xốp dễ tích tụ vi khuẩn nên thường chỉ dùng một lần.
- Nhựa có ký hiệu số 2: Nhựa có tỷ trọng polyethylene cao hay còn được gọi là nhựa HDPE. Loại nhựa này có ảnh hưởng khá an toàn, vi khuẩn khó tích tụ do bề mặt trơn nên thường được dùng để làm bình sữa cho trẻ em, chai đựng sữa, nước trái cây, chai chứa các loại sản phẩm vệ sinh như dầu gội, sữa tắm,…
- Nhựa có ký hiệu số 3: Đây là loại nhựa polyvinyl clorua hay còn được gọi là nhựa PVC. Nhựa này có giá thành rẻ, độ dẻo cao nhưng nhiệt độ giới hạn khá thấp nên dễ chảy gây hư hỏng. Đồng thời, thành phần của nhựa PVC có phthalate và vinylchloride gây hại cho sức khỏe người dùng. Thông thường nhựa PVC được dùng để làm áo mưa, vật liệu xây dựng, đường ống dẫn nước,…
- Nhựa có ký hiệu số 4: Nhựa polyethylene có mật độ thấp hay còn gọi là LDPE, đây là loại nhựa được dùng để làm vỏ ổ đĩa, các loại chai nhựa, giấy gói thực phẩm, túi nhựa,… Tuy không gây nguy hiểm lớn đến sức khỏe nhưng nhựa LDPE khó tái chế nên thường bị thải ra môi trường không qua xử lý.
- Nhựa có ký hiệu số 5: Nhựa polypropylene hay còn gọi là nhựa PP. Với khả năng chịu nhiệt tới 130 độ C và an toàn cho người dùng, đây là loại nhựa thích hợp nhất để làm hộp đựng thực phẩm. Những loại hộp sữa chua, lọ đựng thuốc, hộp nước sốt,… đều được làm từ nhựa PP.
- Nhựa có có ký hiệu số 6: Nhựa polystyrene hay còn gọi là nhựa PS. Loại nhựa này có tính chất xốp, thường được dùng để làm đồ đựng thức ăn một lần vì nếu dùng trong nhiệt độ cao có thể thôi nhiễm các loại chất độc hại nên không nên sử dụng để đựng thực phẩm nhiều lần hoặc dùng để đựng thực phẩm nóng.
- Nhựa có ký hiệu số 7: Nhựa polycarbonate hay còn gọi là nhựa PC. Nhựa này có chứa bisphenol A nên dễ gây nhiễm độc thực phẩm, gây ra những hậu quả khôn lường như ảnh hưởng đến sự phát triển não của động vật sơ sinh, biến đổi khả năng sinh sản của tử cung,… Thông thường loại nhiệt này được dùng để làm nắp bình hoặc những loại sản phẩm công nghiệp như vỏ điện thoại, máy tính,…
Những bài viết liên quan
- Nguồn gốc của nhựa và thực trạng ô nhiễm nhựa trên thế giới
- Những biện pháp tái chế rác thải nhựa đơn giản, thiết thực
- Thời trang tái chế – xu hướng góp phần bảo vệ môi trường
Loại nhựa nào an toàn cho bé?
Trẻ em là những sinh linh bé bỏng và cần được bảo bọc thật kỹ lưỡng, do đó các mẹ nên thật cẩn thận trong lĩnh vực lựa chọn đồ đạc cho bé để tránh những nguy hiểm không đáng có nhé. Trẻ em dưới 5 tuổi rất nhạy cảm với các tác động bên ngoài, đặc biệt là các chất hóa học của nhựa vì cơ thể chưa được phát triển toàn diện nên dễ gây những ảnh hưởng biến đổi nguy hiểm.
Bên cạnh đó, người Việt Nam có thói quen sử dụng lại đồ nhựa để đựng thức ăn. Thói quen này vô cùng nguy hiểm, trong trường hợp đồ nhựa dùng một lần hoặc có khả năng thôi nhiễm ra các chất độc hại thì rất khó để kiểm tra. Do đó, trước khi có nhu cầu sử dụng lại thì các bạn nên xem xét kỹ loại nhựa là loại gì để có biện pháp sử dụng phù hợp hoặc phân loại tái chế.
Vì hiện nay có rất nhiều sản phẩm, đồ gia dụng bằng nhựa nên các bạn cần trang bị cho bản thân vốn kiến thức cơ bản về các loại nhựa để phân biệt được loại nhựa nào an toàn cho bé, loại nhựa nào an toàn cho sức khỏe người dùng trong các điều kiện nhiệt độ thích hợp và loại nhựa nào an toàn nhất.
Đối với những vật dụng của trẻ và đồ chơi mà trẻ tiếp xúc hàng ngày, các bạn nên chọn những loại sản phẩm có ký hiệu nhựa PP, nhựa HDPE hoặc HDP. Những loại nhựa này không thôi nhiễm ra chất độc hại nên rất an toàn để sử dụng làm đồ chơi cho trẻ hoặc hộp đựng thức ăn, đồ vật xung quanh trong gia đình. Trong đó, nhựa PP là loại nhựa an toàn nhất, nếu cần cân nhắc giữa HDPE và PP thì các bạn nên chọn nhựa PP nhé.
Bên cạnh việc xem xét thành phần của nhựa để tìm ra câu trả lời loại nhựa nào an toàn cho bé của mình, các bạn cũng nên chú ý một số hướng dẫn ký hiệu khác như cho phép đông lạnh (hình hoa tuyết), cho phép quay trong lò (hình lò vi sóng), an toàn với thực phẩm (hình ly và nĩa),… để sử dụng nhựa đúng cách nhé. Nếu đồ nhựa không có bất cứ ký hiệu nào thì các bạn không nên sử dụng cho gia đình để đảm bảo an toàn nhé.
Cùng phân loại nhựa tái chế với Việt Nam Tái Chế
Việt Nam Tái Chế là một dự án tập trung vào tái chế và phân loại các loại rác thải để giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như tìm kiếm nguồn năng lượng tái tạo sạch cho hành tinh xanh này. Các bạn hãy cùng chung tay phân loại rác thải, các loại nhựa, chai lọ thải ra cũng nên được phân loại cẩn thận để hỗ trợ cho quá trình tái chế trở nên dễ dàng hơn.
Qua bài viết trên, các bạn đã có thể phân biệt được loại nhựa nào an toàn cho bé và gia đình của mình. Do đó, các bạn hãy thật sáng suốt và cẩn thận khi lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa nhé. Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bé và gia đình, các bạn nên chú ý lựa chọn những loại sản phẩm nhựa có nguồn gốc an toàn, có ký hiệu PP, HDPE, HPD,… để giảm thiểu lượng nhựa không thể tái chế thải ra môi trường, cũng như tránh bị nhiễm những chất độc hại từ những loại nhựa có thể gây hại nhé.
Để lại một phản hồi