Nhựa HDPE là gì? Hiện nay, trong cuộc sống thường ngày, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp ký hiệu mũi tên hình tam giác và số 2 trên hộp đựng các sản phẩm tẩy rửa, sữa, dầu máy và một số chất khác. Điều đó có nghĩa là chúng được làm từ nhựa số 2 HDPE. Vậy nhựa công nghiệp HDPE có có an toàn không? Nhựa thuộc nhóm HDPE có tái sử dụng được không? Bài viết dưới đây của Việt Nam Tái Chế sẽ trả lời cho bạn những câu hỏi liên quan đến loại vật liệu này.
Nội dung bài viết
Nhựa HDPE là gì?
HDPE, hay còn gọi là nhựa công nghiệp HDPE, nhựa số 2 HDPE, là tên viết tắt và ký hiệu của High Density Polyethylene, có nghĩa là Polyethylene mật độ cao, một loại nhựa nhiệt dẻo được ứng dụng rộng rãi trong đời sống thường ngày. Đôi khi chúng còn được ký hiệu là PEHD (Polyethylene High density). Công thức hóa học của High density polyethylene là –(CH2-CH2)n–.
Để trả lời một cách dễ hiểu cho câu hỏi nhựa công nghiệp HDPE là gì thì đây là một loại nhựa nhiệt dẻo hay nhựa Polyethylene mật độ cao, khá bền và linh hoạt nên được ứng dụng nhiều trong sản xuất chai lọ, phụ tùng ô tô, đồ nội thất và vật liệu xây dựng. Vậy nhựa PEHD được tạo ra như thế nào?
Nhựa HDPE được sản xuất như thế nào?
Để sản xuất ra nhựa công nghiệp HDPE cần trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Các giai đoạn này về cơ bản gồm có:
- Giai đoạn 1: Cracking nhiệt dầu mỏ (nung nóng etan ở nhiệt độ 1500 độ F) để tạo ra khí ethylene. Để thu được khí ethylene ở hàm lượng cho phép đòi hỏi kỹ thuật viên phải kiểm soát chặt chẽ các điều kiện cracking, đặc biệt là nhiệt độ.
- Giai đoạn 2: Các phân tử khí ethylene sẽ đi qua ống dẫn chuyên dụng, nơi xảy ra các phản ứng trùng hợp với điều kiện các chất xúc tác và áp suất; chúng liên kết với nhau để tạo thành polyme và sau đó là sau đó là polyethylene. Polyethylene ở giai đoạn này có hình dạng giống như bùn.
- Giai đoạn 3: Để tạo thành các hạt nhựa HDPE, dòng chảy polyethylene sẽ được đưa qua một loại khuôn.
Nhựa số 2 HDPE xuất hiện từ bao giờ?
Về mặt kỹ thuật, một nhà hóa học người Đức tên là Karl Ziegler đã phát minh ra HDPE vào năm 1953. Trên thực tế, nhựa PEHD đã được phát hiện ra vào cuối thế kỷ 19. Hans von Pachmann, nhà hóa học người Đức phát hiện ra diazomethane vào năm 1894, đã quan sát thấy kết tủa khi đang làm việc với metan và ete. Hợp chất này sau đó được xác định là polyemethylene.
Khoảng 30 năm sau, một nhà hóa học người Mỹ đã tạo ra một kết tủa mật độ cao khi đặt ethylene trong môi trường áp suất lớn. Sau đó, một nhà hóa học người Anh đã điều chế ra polyethylene ở dạng rắn vào năm 1935.
Những bài viết liên quan
- Thời trang tái chế – Ý tưởng độc đáo góp phần bảo vệ môi trường
- Nhựa PVC là gì? Những lưu ý cần biết để sử dụng các sản phẩm từ nhựa PVC một cách an toàn
- Nhựa plastic là gì? Thành phần, phân loại, công dụng của nhựa trong đời sống con người
Đặc điểm và vai trò của nhựa công nghiệp HDPE
Nhựa HDPE chịu được nhiệt độ bao nhiêu?
Vì nhựa số 2 HDPE có kết tinh và cấu trúc phân tử ổn định nên nhiệt độ nóng chảy của loại vật liệu này sẽ cao hơn so với các loại nhựa nhiệt dẻo khác, từ 267 đến 275 độ F (tương đương 130 đến 135 độ C). Trên thực tế, loại nhựa này có thể chịu được nhiệt độ 110 độ C trong thời gian liên tục và 120 độ C trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, mỗi ứng dụng của loại vật liệu này sẽ có nhiệt để khuyên dùng nhất định để không ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng và công dụng của sản phẩm. Ngưỡng nhiệt độ lý tưởng để kéo dài tuổi thọ cho sản phẩm làm từ nhựa HDPE là từ -148 đến 176 độ F (tương đương -100 đến 80 độ C).
Nhựa công nghiệp HDPE có những ưu điểm gì?
- Tiết kiệm chi phí
- Chịu được nhiệt thấp lên đến -100 độ C
- Không bị rửa trôi nên an toàn với máy rửa bát
- Có khả năng chống tia cực tím
- Không bị ăn mòn bởi các dung môi hóa chất (axit lẫn kiềm)
- Có khả năng cách điện ưu việt
Nhựa số 2 HDPE có những nhược điểm gì?
- Độ bền cơ học kém hơn so với các loại nhựa nhiệt dẻo khác
- Khả năng chống chịu thời tiết kém
- Vì HDPE có cấu trúc khá bền vững nên rất khó để liên kết
Nhựa HDPE được ứng dụng trong những lĩnh vực nào?
Giống như những loại nhựa nhiệt dẻo khác, nhựa công nghiệp HDPE được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau. Những ứng dụng phổ biến nhất của loại vật liệu này bao gồm:
- Chai nhựa và hộp đựng thực phẩm
Nhựa PEHD chống thấm khá tốt và dễ dàng chế tạo nên được ứng dụng phổ biến làm chai hoặc hộp đựng nước và thực phẩm. Ngoài ra, loại nhựa này có thể tái chế nên thường được sản xuất các sản phẩm dùng một lần.
- Đồ chơi
Với đặc tính chống tia UV, nhựa công nghiệp HDPE có thể được sử dụng để sản xuất đồ chơi cho trẻ em. Những sản phẩm được làm từ loại vật liệu này khá bền màu ngay cả dưới tác động của tia UV.
- Thùng/Chai đựng hóa chất
Nhựa HDPE được dùng để làm chai/thùng đựng hóa chất như nước giặt, dầu gội, sữa tắm, các sản phẩm tẩy rửa, dầu máy,… bởi chúng có khả năng chống ăn mòn bởi axit và kiềm. Đặc biệt, tuổi thọ của các sản phẩm này tăng lên khi chúng được pha màu.
- Hệ thống ống
Sử dụng HDPE làm vật liệu chế tạo ống giúp người tiêu dùng tiết kiệm được chi phí lắp đặt, chi phí bảo dưỡng vì chúng có khả năng chống lại tia cực tím và sự ăn mòn của hóa chất.
Nhựa HDPE có an toàn không?
Chính vì sự có mặt dày đặc của nhựa công nghiệp HDPE trên bao bì của rất nhiều loại vật dụng hằng ngày khiến người tiêu dùng băn khoăn liệu loại nhựa này có độc hay không hoặc có an toàn cho trẻ em hay không? Theo Chemical Safety Facts, nhựa số 2 HDPE hoàn toàn không có độc và được kiểm nghiệm là không chứa hóa chất gây hại cho sức khỏe. HDPE là một trong những loại nhựa có nguy cơ sức khỏe thấp.
Nhựa HDPE được sản xuất dưới sự giám sát kỹ thuật nghiêm ngặt còn được sử dụng để sản xuất bình đựng sữa. Một số đơn vị sản xuất các loại vật liệu này còn có giấy chứng nhận độ an toàn của sản phẩm đối với da nhạy cảm.
Mặc dù HDPE được chứng minh là không chứa hóa chất gây hại cho sức khỏe, chúng ta cần lưu ý sử dụng đúng cách để không làm biến đổi các đặc tính và kéo dài tuổi thọ cho sản phẩm:
- Hạn chế để các sản phẩm từ nhựa công nghiệp HDPE ở môi trường bên ngoài quá lâu
- Hạn chế sử dụng các sản phẩm từ nhựa số 2 HDPE trong lò vi sóng hoặc đựng thức ăn quá nóng
Trên thực tế, nhựa công nghiệp HDPE là loại nhựa an toàn nhất trong số các loại nhựa nhiệt dẻo khác được khuyên dùng bởi chuyên gia.
Nhựa PEHD có tái chế được không?
Nhựa công nghiệp HDPE là nhựa số 2. Đây là loại nhựa hoàn toàn có thể tái chế và được chấp nhận bởi hầu hết các đơn vị tái chế trên toàn thế giới. Quy trình tái chế HDPE diễn ra như sau:
- Sau khi thu gom, nhựa sẽ được phân loại và làm sạch, loại bỏ tạp chất và vật liệu nguy hiểm.
- Để tách các loại nhựa polyme khác ra khỏi hỗn hợp tái chế, người ta sử dụng phương pháp tách chìm – nổi (sink-float separation).
- HDPE sau đó sẽ được nghiền nhỏ và nấu chảy để tinh chế thêm polyme.
- Cuối cùng, HDPE sẽ được làm nguội ở dạng hạt để tái sản xuất.
Lợi ích môi trường từ việc tái chế nhựa số 2 HDPE
Con người sản xuất và tiêu thụ khoảng 30 triệu tấn nhựa công nghiệp HDPE mỗi năm. Tuy nhiên, loại vật liệu này gần như không phân hủy sinh học hoặc phân hủy sinh học rất chậm trong môi trường tự nhiên. Vì vậy, để cứu hành tinh xanh của chúng ta khỏi nguy cơ ô nhiễm do nhựa, chúng ta cần tích cực tái sử dụng và tái chế nhựa HDPE.
Để lại một phản hồi